Những Suy Nghĩ Cần Tránh Trong Lập Trình Web

Những Suy Nghĩ Cần Tránh Trong Lập Trình Web


Ngày 2 Tháng 6 Năm 2020

Những Suy Nghĩ Cần Tránh Trong Lập Trình

Khi chúng ta mới bước vào con đường lập trình thì ai cũng mang cho mình một số hoài nghi về ngành lập trình như đó là những con người ít nói, chỉ dành hàng giờ cho máy tính hay chỉ có năng khiếu thì mới có thể học ngành này được... Bài viết này mình sẽ làm rõ những vấn đề này giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về ngành này nhé.

Cũng như Nhật khi vừa mới bước vào con đường lập trình cũng mang trong mình những niềm hứng khởi, tò mò cũng như những nỗi sợ hãi khi khám phá những điều hoàn toàn mới mẻ. Lúc mới bắt đầu học về ngành lập trình thì mình cũng có rất nhiều suy nghĩ như là mình có đủ đam mê theo đuổi nó đến cùng hay không, liệu tuổi này học lập trình có quá muộn không, mình dốt toán vậy có thể học ngành này không ta... Mình mong bài viết này sẽ giúp bạn phần nào hiểu hơn về ngành lập trình cũng như yêu thích nó hơn nhé.

Bạn phải giỏi toán thì mới có thể học lập trình

Hình ảnh toán học trong lập trình

Rất nhiều bạn trước khi tìm hiểu về ngành lập trình thì đa số nghĩ rằng chúng ta phải giỏi toán thì mới có thể làm trong ngành này. Trong thực tế thì lập trình viên dành nhiều thời gian cho việc phân tích giải quyết vấn đề và tư duy logic hơn là tính toán các biểu thức toán học phức tạp. Vì các biểu thức như vậy thì đã có các thư viện hay plugin được viết sẵn để giúp bạn giải quyết các vấn đề toán học và thuật toán phổ biến rồi. Nhưng nếu bạn học giỏ toán thì đây là một điểm cộng lớn trong việc phát triển sự nghiệp lập trình.

Theo quan điểm của mình nếu bạn nắm toán học ở mức cơ bản thì có thể hoàn toàn học ngành lập trình được. Nhưng nếu có thời gian thì bạn cũng nên tìm hiểu hiểu thêm về các thuật toán vì nó sẽ giúp chúng ta có bước tiến xa hơn nữa trong ngành lập trình thông qua các cuộc thi về coding, sách tin học hay tìm thêm các bài tập trên mạng để thực hành những kiến thức ta mới học...

Bạn cần nhớ toàn bộ cú pháp của ngôn ngữ

Cú pháp ngôn ngữ trong lập trình

Khi chúng ta mới học lập trình thì việc đầu tiên là phải làm sao cố gắng ghi nhớ toàn bộ các cú pháp có trong một ngôn ngữ lập trình. Điều này thì không có gì là sai cả nhưng nhiều khi như vậy sẽ tạo cho bạn một áp lực rất lớn và sẽ làm giảm hứng thú trong quá trình lập trình. Khi bạn học một ngôn ngữ mới thì mình nghĩ ta nên chú ý vào khái niệm thay vì phải nhớ từng cú pháp. Khi bạn đã hiểu được khái niệm thì từ đó chúng ta sẽ thử sức bằng việc xây dựng các dự án. Bằng cách như vậy thì bạn sẽ phải viết mã lặp đi lặp lại nhiều lần và bộ não của chúng ta sẽ tự động ghi nhớ một cách tự nhiên mà không có sự ép buộc nào.

Ngày nay thì chúng ta có trang web để có thể tra sẵn các cú pháp trực tuyến một cách đơn giản như là StackOverflow, W3Schools, Mozilla.. hoặc trong các chương trình soạn thảo code thì cũng cung cấp cho chúng ta các tiện ích đề xuất cú pháp của các ngôn ngữ lập trình. Nên bạn cũng không nên quá lo lắng khi phải nhớ từng cú pháp nữa nhé.

Ngôn ngữ mình đang học là tốt nhất

ngôn ngữ lập trình nào tốt nhất

Theo mình thấy thì ngôn ngữ lập trình nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu của riêng nó. Không một ngôn ngữ nào có thể giải quyết tốt được tất cả các vấn đề trong lập trình ngày nay. Việc chọn một ngôn thì nó sẽ bao gồm nhiều yếu tố khác nhau như nó có phục vụ cho học tập, công việc của bạn hiện tại không, bạn cảm thấy thoải mái khi sử dụng ngôn ngữ đó không... Và nó sẽ thay đổi trong tương lai tùy thuộc vào nhu cầu của bạn.

Thay vì tranh cãi xem ngôn ngữ nào là tốt nhất thì mình nghĩ chúng ta nên tập trung vào giải quyết vấn đề , bồi dưỡng kỹ năng phân tích, thuật toán để có thể tiến xa hơn trong ngành lập trình. Bạn cũng đừng cố gắng tìm xem ngôn ngữ nào tốt nhất mà hãy cố gắng chọn ngôn ngữ mà bạn cảm thấy thoải mải nhất khi làm việc với nó.

Phải có bằng đại học thì bạn mới có thể làm trong ngành lập trình được

Vấn đề bằng cấp và lập trình

Đây có lẽ là một vấn đề mình thấy hay được thảo luận và nhận được nhiều ý kiến khác nhau trên nhiều diễn đàn. Thật ra được vào đại học để chuyên tâm theo đuổi ngành mình yêu thích thì còn gì sướng bằng phải không nhỉ. Nhưng cũng có một số bạn vì hoàn cảnh hay một lý do nào đó mà không thể theo đuổi con đường đại học thì sẽ rất đắn đo suy nghĩ là mình có đi theo nghề lập trình được không?

Theo quan điểm cá nhân của mình thì ngày nay nếu bạn không có cơ hội để vào đại học thì chúng ta hoàn toàn có thể tham gia các khóa đào tạo chứng chỉ ngắn hạn ở các trung tâm hay tự học trên các trang web dạy lập trình như FreeCodecamp, Codecademy, Khan Academy, Udemy... các kênh Youtube của những lập trình viên tốt bụng sẵn sàng chia sẻ hướng dẫn bạn từ ban đầu như Traversy Media, Programming with Mosh, Derek Banas... Và nếu bạn muốn hỏi các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ mình đang học thì có thể tham gia vào các diễn đàn lập trình như StackOverflow, StackExchange..
Ngày nay theo mình thấy có rất nhiều công ty sẵn sàng trao cơ hội cho bạn vào làm việc mà không quan tâm nhiều về bằng cấp nếu bạn thực sự có đủ khả năng để thực hiện công việc đó. Do đó bạn hãy cứ học tập và cố gắng theo đuổi đam mê của mình thì chắc chắn một ngày không xa bạn sẽ đạt được những thứ mà mình mong muốn.

Bạn phải thật giỏi thì mới có thể lập trình được

Lo lắng về lập trình

Rất nhiều bạn có niềm đam mê với lập trình nhưng lại sợ không dám theo đuổi ngành này vì nghĩ các đoạn mã phức tạp chỉ được viết ra bởi những người tài giỏi mà thôi. Nhưng thật ra đa số mọi người ai cũng có thể học lập trình được nếu như chúng ta có đủ kiên nhẫn, quyết tâm và niềm đam mê đủ lớn với ngành này.
Mục đích của ngôn ngữ lập trình khi được tạo ra là để giúp chúng ta giao tiếp với máy tính thông qua đó thực hiện một hành động hay nhiệm vụ nào đó. Vì vậy bạn chỉ cần tưởng tượng là chúng ta đang nói chuyện với máy tính thông qua một ngôn ngữ riêng như khi giao tiếp với những người khác thì như vậy sẽ giúp ta cảm thấy tự tin phần nào và thoải mái hơn khi muốn tìm hiểu sâu về ngành này.

Chỉ cần vài tuần là bạn có thể thành thạo một ngôn ngữ lập trình

vài tuần là bạn có thể thành thạo một ngôn ngữ lập trình

Điều này chỉ đúng với một phần nhỏ số người đã có sẵn tư chất thông minh, còn đối với mình dù cho có dành hàng tuần hay hàng tháng liên tục để học ngôn ngữ mới thì cũng chỉ nắm được ở mức cơ bản và xử lý các vấn đề đơn giản mà thôi.
Hồi đó mình nghĩ khi đã học hết các cú pháp và những khái niệm cơ bản thì có thể bắt tay vào làm cái gì đó thật lớn lao rồi. Nhưng thực tế không phải vậy, khi đi làm chúng ta còn phải áp dụng nhiều chức năng, yếu tố, cú pháp, hàm, của một ngôn ngữ lại với nhau thì mới có thể giải quyết một vấn đề trong công việc.

Không chỉ vậy, nó cũng sẽ tạo một áp lực rất lớn khi bạn phải cố gắng ép bản thân mình nắm được hết mọi thứ liên quan về ngôn ngữ đó trong một thời gian ngắn. Và điều này sẽ dẫn đến cảm giác thất vọng, chán nản, mệt mỏi khi bạn không thể tiếp thu hết những kiến thức mới.
Theo quan điểm của mình thì chúng ta hãy cố gắng đi từng bước một ví dụ như ngày hôm nay bạn học một cú pháp mới thì sau khi đã hiểu thì không nên chuyển ngay sang học cú pháp khác mà thay vào đó bạn nên dành thời gian để đọc thêm các tài liệu, ví dụ liên quan đến nó cũng như tìm thêm các bài tập thực hành mà chúng ta có thể thực hiện được với cú pháp đó.

Một số vấn đề khác

Phụ nữ thì không thể theo đuổi ngành lập trình được?
Đa số mọi người thường nghĩ để có thể theo ngành lập trình thì cần phải có khả năng về toán học, tư duy, làm việc với những ngôn ngữ khô khan... mà phụ nữ thường sẽ không xử lý được. Nhưng thật ra lập trình viên đầu tiên trên thế giới chính là một phụ nữ có tên là Ada Lovelace. Và ngày nay cũng không ít những người lập trình viên là nữ rất nổi tiếng như là :

  • Marissa Mayer : là kỹ sư nữ đầu tiên được nhận vào làm việc trong Google khi đó công ty mới chỉ có 20 thành viên.
  • Adele Goldstine : giúp viết chương trình hướng dẫn cho máy tính đầu tiên trên thế giới.
  • Grace Murray Hopper: Là nhà phát triển trình biên dịch đầu tiên cho ngôn ngữ máy tính.

Lập trình viên là những người hiểu biết về máy tính?
Khi nghe nói ai đó là lập trình viên thì sẽ có những người nhờ họ cài dùm win, tăng tốc máy tính, sửa máy in... Thì thật ra lập trình viên là những người viết ra chương trình để máy tính hiểu và chạy được. Nên chúng ta không nên nhờ giải quyết những vấn đề mà không thuộc lĩnh vực của họ như ở trên để tránh gây cảm giác khó chịu, không thoải mái cho họ.

Bạn đã quá lớn tuổi để học lập trình
Theo quan điểm của mình thì không quan trọng là bạn bao nhiêu tuổi mà đam mê của bạn có đủ lớn để có thể đi theo nghề lập trình này đến cùng hay không. Bạn có thể tìm cách tận dụng phát huy những kinh nghiệm có được từ các công việc trước để áp dụng vào trong ngành lập trình ví dụ như công việc cũ của bạn là làm bên dịch vụ chăm sóc khách hàng thì khi tạo trang web bán hàng, bạn sẽ biết những yêu cầu cần có để hỗ trợ khách hàng trực tuyến một cách tốt hơn...

Tổng kết:

Qua đây mình mong bài viết sẽ giúp bạn giải đáp một số thắc mắc về ngành lập trình và nếu có thắc mắc gì cứ gửi email mình sẽ phản hồi sớm nhất có thể. Rất mong bạn tiếp tục ủng hộ trang web để mình có thể viết nhiều bài hay hơn nữa nhé. Chúc bạn có một ngày vui vẻ!

DigitalOcean Referral Badge