Trong qua trình phát triển website thì ngôn ngữ lập trình PHP có lẽ đã không còn quá xa lạ đối với chúng ta nữa. Ngày hôm nay mình sẽ giải thích cho bạn PHP Framework là gì và các framework được sử dụng phổ biến dành cho PHP nha.
Ngôn ngữ lập trình PHP
PHP được viết tắt dựa trên Hypertext Preprocessor. Nó là một ngôn ngữ kịch bản ở phía máy chủ với mục đích là phát triển website tĩnh (static), động (dynamic) hay các ứng dụng web(web application). Các tập lệnh PHP có thể dễ dàng được chèn vào các tệp HTML từ đó giúp các lập trình viên có thể chuyển đổi các đoạn mã của mã trang web tĩnh thành các ứng dụng giao diện người dùng động. Nó được sử dụng bởi các công ty lớn như là Facebook, Wikipedia... hay là nền tảng cốt lõi của hệ thống quản trị nội dung (CMS) nổi tiếng như Wordpress.
Các lợi ích mà khi bạn sử dụng PHP là:
- Mã nguồn mở.
- Dễ dàng học với những người mới bắt đầu lập trình.
- Có thể sử dụng với các cơ sở dữ liệu phổ biến như MySQL, MongoDB, Postgress...
- Cộng đồng hỗ trợ đông đảo.

PHP Framework
Nếu như để ý xem xét một vài ứng dụng web khác nhau thì bạn có thể thấy rằng là nó có khá nhiều tính năng trùng lặp với nhau như việc xác thực danh tính người dùng, kêt nối cơ sở dữ liệu, hiển thị thông tin của trang, liên kết các file với nhau... Việc xây dựng từ đầu sẽ khiến bạn gặp không ít khó khăn cũng như thời gian. Do đó framework ra đời để giúp bạn có thể làm các công việc trên một cách dễ dàng và nhanh chóng.
PHP framework sẽ giúp các lập trình viên PHP làm việc hiệu quả hơn dự án bằng cách cung cấp các chức năng thường được sử dụng trong quá trình phát triển, các thư viện phổ biến, sử dụng các phương pháp để viết mã tốt hơn và giảm các đoạn mã mà bạn phải viết để xây dựng dự án.
Các lợi ích của việc sử dụng PHP framework là:
- Quá trình xây dựng nhanh hơn: vì các framework PHP tích hợp sẵn các thư viện và công cụ tiện ích cần có cho đa số dự án hiện nay. Ngoài ra thay vì bạn phải dành nhiều cho thời gian phát triển kiến trúc dự án thì nó sẽ cung cấp cho bạn kiến trúc có sẵn như mô hình MVC (Model-View-Controller)...
- Mức độ bảo mật cao: Một trong vấn đề lớn nhất khi phát triển ứng dụng PHP là bảo mật. Do đó các framework PHP cung cấp các tính năng để tăng độ bảo mật bằng cách sử dụng các giải pháp được cộng đồng PHP liên tục thử nghiệm và xem xét kỹ lưỡng.
- Dễ dàng hợp tác với các thành viên trong nhóm: Đây được xem là một ưu điểm cực lớn khi sử dụng PHP framework. Nó sẽ giúp các thành viên mới có thể dễ dàng hiểu được các tiêu chuẩn viết mã, các quyết định về thiết kế và nhanh chóng tìm được các tài liệu, khóa học khi muốn tìm hiểu về framework mà dự án đang sử dụng.
Các hạn chế khi sử dụng PHP framework là:
- Sẽ mất một khoảng thời gian để bạn có thể học hỏi để sử dụng và thành thạo một framework PHP.
- Mất thời gian nâng cấp framework lên các phiên bản mới hơn cũng như xử lý các đoạn mã mà bản nâng cấp có thể mang lại.
- Thực thi chậm hơn vì các Php framework thường tăng thêm độ phức tạp và chi phí hoạt động cho một dự án.
Laravel
Laravel có lẽ là framework PHP được nhiều lập trình viên khuyên nên sử dụng tại thời điểm hiện tại. Nó được Taylor Otwell phát hành lần đầu tiên vào năm 2011 trong việc tạo ra một giải pháp thay thế nâng cao hơn cho CodeIgniter. Laravel Homestead cung cấp cho chúng ta môi trường phát triển mà không cần phải yêu cầu cài đặt PHP, máy chủ web hay bất kỳ phần mềm máy chủ nào khác trên máy tính của bạn. Đối với các nhà phát triển muốn xây dựng các trang web B2B hoặc doanh nghiệp thì Laravel là một lựa chọn phù hợp.
Ngoài ra nó là một framework cung cấp nhiều tính năng vượt trội như:
- Authentication (Xác thực)
- Authorization(Ủy quyền)
- Encryption(Mã hóa)
- Password reset(đặt lại mật khẩu)
- Hashing
- Email verification (Xác thực email)

Symfony
Symfony vừa là một framework PHP vừa là một tập hợp các thành phần PHP để xây dựng các ứng dụng web. Do đó nó có tính mở rộng và hiệu suất cao vì bạn có thể chọn các thành phần phù hợp để xây dựng dự án của mình. Các tính năng chính của nó là hỗ trợ cơ sở dữ liệu, hệ thống modular component, cung cấp công cụ debug...

CakePHP
CakePHP là một framework giúp bạn có thể tập trung phát triển web trở nên đơn giản và nhanh hơn. Với các tính năng chính là:
- Ít thao tác cho việc cấu hình. Bạn có thể viết mã ngay khi dự án đã thiết lập cơ sở dữ liệu mà không cần phải quan tâm đến các tệp XML hay YAML.
- Cung cấp các tính năng bảo mật cho dự án như mã hóa, password hashing, CSRF protection.
- Nhiều tài nguyên để nghiên cứu và học tập.

CodeIgniter
CodeIgniter là một framework PHP mã nguồn mở với mục đích chính là xây dựng các trang web động. Nó cung cấp nhiều mô-đun được phát triển sẵn giúp bạn xây dựng các thành phần tối ưu và có thể tái sử dụng nhiều nơi trong dự án.
- Giao diện đơn giản, trực quan.
- Nhiều bộ nhớ đệm cho phép triển khai nhanh hơn.
- Tích hợp các tính năng bảo mật giúp ngăn chặn các lỗ hổng phổ biến trên web.
- Mang đến hiệu suất ổn định mà không yêu cầu quá nhiều về tốc độ xử lý của máy chủ.

Yii
Một ưu điểm lớn của Yii là dễ dàng thiết lập và có khả năng mở rộng cao. Ngoài ra nó cung cấp ác tính năng bảo mật mạnh mẽ như mã hóa, xác thực và ủy quyền. Một đặc điểm khác của Yii là nó đi kèm với một trình tạo mã Class mạnh mẽ có tên là Gii.
- Quá trình thiết lập dễ dàng
- Cung cấp nhiều tính năng bảo mật.
- Có cộng đồng hỗ trợ đông đảo.
- Hỗ trợ nhiều loại bộ nhớ đệm giúp tăng hiệu suất cho website.

FuelPHP
FuelPHP là framework PHP nguồn mở được sử dụng để xây dựng các ứng dụng web, API và microservices. Nó dựa trên mẫu kiến trúc HMVC (Hierarchal Model View Controller) với độ linh hoạt, mở rộng và bảo mật cao.
- Cug cấp công cụ và thư viện để thực hiện các tác vụ phát triển web phổ biến.
- Nâng cao tính bảo mật bằng quản lý xác thực và ủy quyền người dùng.
- Tùy biến cấu trúc trúc thư mục và tẹp trong dự án.
- Hỗ trợ nhiều hệ thống cơ sở dữ liệu.

Slim
Slim là microframework PHP gọn nhẹ được dùng để xây dựng các ứng dụng web và API. Nó tạp trung vào việc nhận yêu cầu và phản hồi HTTP.
- Không phụ thuộc vào các third-party nên đạt được hiệu suất cao.
- Tài liệu dễ học cho người mới bắt đầu.
- Cung cấp tính năng bảo mật như mã hóa cookie.
- Xây dựng nhanh chóng prototyping và ứng dụng web nhỏ mà không cần yêu cầu kiến trúc MCV.

Phalcon
Phalcon là một mã nguồn mở PHP và được xây dựng dựa trên mẫu kiến trúc model-view-controller (MVC). Việc triển khai dưới dạng một phần mở rộng PHP được viết bằng ngôn ngữ lập trình C nên tốc độ của nó sẽ nhanh hơn nhiều so với các framework PHP khác.
- Kiến trúc cấp thấp.
- Phù hợp với các ứng dụng web phức tạp.
- Tối ưu hóa về vấn đề hiệu suất cũng như bảo mật.
- Dễ dàng thiết lập.

Tổng kết:
Qua đây mình mong bài viết sẽ cung cấp cho bạn các framework PHP phổ biến dành cho nhà phát triển web. Nếu có thắc mắc gì cứ gửi email mình sẽ phản hồi sớm nhất có thể. Rất mong bạn tiếp tục ủng hộ trang web để mình có thể viết nhiều bài hay hơn nữa nhé. Chúc bạn có một ngày vui vẻ!