Trong bài viết hôm nay mình và bạn sẽ đi vào tìm hiểu các nguyên nhân làm Wordpress chậm chạp cũng như cách cải thiện tốc độ trang web của bạn nhé.
Nguyên nhân Wordpress load chậm
Ngày này hiệu suất website sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất công việc cũng như kinh doanh trên môi trường online của bạn. Để có cái nhìn tổng quát thì trước khi đi vào giải pháp thì chúng ta cần phải tìm hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng làm chậm trang Wordpres nha. Một trong những yếu tố thường gây ảnh hưởng đến website là:
- Dịch vụ Hosting.
- Theme Wordpress
- Các plugin sử dụng
- Nội dung chưa được tối ưu hóa tốt như hình ảnh, video...
- Quá nhiều yêu cầu HTTP
- Không sử dụng các ứng dụng để phân phát nội dung tốt hơn như CDN
- Cấu hình Wordpress chưa tốt
- Không thường xuyên cập nhật các phiên bản mới cho Wordpress, PHP, Plugin...

Bạn có thể kiểm tra tốc độ website của mình ở đường dẫn bên dưới nhé.
Các cách tối ưu Wordpress
Sử dụng plugin một cách hiệu quả
Điểm mạnh của Wordpress đó chính là việc cho phép người dùng có thể cài đặt thêm các tiện ích mở rộng bằng cách sử dụng plugin. Với cộng đồng hỗ trợ đông đảo thì ngày càng có nhiều plugin ra đời giúp bạn có thể thực hiện các tính năng phức tạp mà không cần phải biết quá nhiều về lập trình. Tuy nhiên sẽ thật nguy hiểm nếu bạn suy nghĩ là càng cài đặt nhiều thì sẽ càng có nhiều tính năng cho trang web của mình. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới hiệu suất của wordpress mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề bảo mật và có thể xảy ra sự xung đột giữa các plugin.

Bạn nên kiểm tra lại tất cả các plugin mà mình đang sử dụng cho trang Wordpress rồi xem xét xem cái nào không thật sự cần thiết. Sau đó loại bỏ những plugin này đồng thời cũng coi là trang web có hoạt động bình thường không.
Ngoài ra lựa chọn plugin tốt cho website là một việc cần thiết mà bạn nên thực hiện để cải thiện sự hiệu quả cho Wordpress. Theo mình thì trước khi muốn cài đặt một plugin nào đó thì bạn cần đọc kỹ các đánh giá của người dùng cũng như test hiệu suất của trang web trước và sau khi cài đặt plugin.
Giảm kích thước file CSS và Javascript
Để giảm kích thước của các file Javascript và CSS trong Wordpress thì người ta thường sử dụng kỹ thuật minify. Nó sẽ loại bỏ các khoảng trăng, ký tự, ngắt dòng hay nhận xét không cần thiết trong mã. Điều này sẽ giúp giảm lượng dữ liệu mà người dùng phải tải từ máy chủ khi truy cập trang web của bạn và trình duyệt có thể phân tích cú pháp nhanh hơn.
Để áp dụng cho trang Wordpress thì bạn có thể cài đặt plugin tối ưu hóa tốc độ để giảm kích thước mã cho file CSS và JS.

Không nên upload video lên máy chủ Wordpress
Trong số các loại tệp được lưu trữ trên hosting Wordpress thì video là một trong những loại sử dụng tài nguyên nhiều nhất. Ngoài việc tiêu tốn băng thông cho máy chủ thì nó còn ảnh hưởng đến tốc độ tải trang của website. Vậy làm sao để chúng ta có thể sử dụng video cho trang web?
Bạn vẫn có thể sử dụng video trong trang web của mình mà không ảnh hưởng tới hiệu suất bằng cách sử dụng dịch vụ lưu trữ chuyên dành cho video như Youtube, Vimeo, DailyMotion... Bạn chỉ cần tải video lên các máy chủ lưu trữ này và nhúng video vào trong website là có thể hiển thị video trong trang web của mình rồi.

Thiết lập caching plugin
Thông thường khi người dùng truy cập vào một trang web nào đó mà không được lưu trong bộ nhớ cache thì PHP trên máy chủ WordPress sẽ phải tải tất cả nội dung có liên quan từ cơ sở dữ liệu sau đó tập hợp nó thành một file HTML và gửi cho khách hàng. Tuy nhiên bạn hãy tưởng tượng nếu trang web có nhiều lượt truy cập thì quá trình này phải lặp đi lặp lại và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất của trang web.
Để giải quyết vấn đề trên thì chúng ta có thể sử dụng caching (bộ nhớ đệm). Nó sẽ tạo một bản sao HTML của trang và mỗi khi người dùng truy cập lại trang web thì nó gửi ngay bản sao này cho user mà không cần phải thực hiện các bước như ở trên.

Thông thường khi nhà phát triển website sử dụng cache thì có thể tăng tốc độ lên từ 2 đến 5 lần. Bạn có thể sử dụng các plugin để thiết lập cho wordpress như W3 Total Cache, WP Super Cache...
Sử dụng Content Delivery Network (CDN)
CDN (Content Delivery Network) là một hệ thống máy chủ toàn cầu với nhiệm vụ chính là lưu trữ các file tĩnh như HTML, CSS, Javascript, hình ảnh... cho website. Điều này sẽ giúp giảm tải công việc cho máy chủ lưu trữ của bạn. Điểm mình đặc biệt thích ở CDN là việc tăng tốc độ tải trang cho các website có máy chủ ở xa so với người dùng.

Nếu bạn muốn tìm hiểu về các nhà cung cấp dịch vụ CDN uy tín thì có thể truy cập đường dẫn bên dưới nha.
Cải thiện Hosting
Hositng là nơi dùng để bạn lưu trữ trang web của mình và đưa nó lên môi trường online. Thông thường khi mới xây dựng website thì bạn sẽ chọn các hosting với gói giá rẻ và thường có tên là shared hosting. Máy chủ này sẽ chia sẻ tài nguyên cho nhiều trang web khác nhau. Tuy nhiên khi mà lưu lượng truy cập website của bạn tăng lên thì lúc này bạn nên suy nghĩ về việc nâng cấp hosting của mình. Bạn có thể tham khảo thêm về các loại hosting ở đây nha.
.jpg)
Sử dụng phiên bản PHP mới nhất
Giống như các theme hay plugin trong Wordpress thì PHP cũng phát hành các bản cập nhật để cải tiến cũng như giúp trang web của bạn tải nhanh hơn. Hiện nay phiên bản PHP được xem là ổn định và mang lại hiệu suất cao là PHP 7 được phát hành năm 2015. Để xem trang web của mình đang sử dụng phiên bản PHP nào thì bạn có thể sử dụng Version Info Plugin . Nếu bạn thấy máy chủ đang sử dụng các phiên bản thấp hơn PHP 7 thì có thể liên lạc với nhân viên hỗ trợ kỹ thuật của hosting đó để đề nghị nâng cấp.

Tối ưu hóa cơ sở dữ liệu
Các thông tin quan trọng của trang web sẽ được lưu trữ vào Database trong Wordpress. Tuy nhiên nếu chúng ta lưu trữ quá nhiều thông tin thì sẽ ảnh hưởng đến tốc độ xử lý của websie. Một số thông tin không cần thiết thường được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu là các bài đăng đã cũ và không sử dụng nữa, các bản nháp, các bài viết hay trang ở trong thùng rác... Do đo việc dọn dẹp và tối ưu hóa database định kỳ là việc làm mà bạn nên thực hiện để giúp hiệu suất của trang web tốt hơn.
Thông thường nếu bạn là dân kỹ thuật thì có thể sử dụng phpMyAdmin để tìm và xóa các thông tin đã cũ. Còn nếu bạn muốn thực hiện công việc này dễ dàng và đơn giản hơn thì có thể sử dụng các công cụ như WP-Sweep, Advanced Database Cleaner...

Tối ưu hóa hình ảnh
Hình ảnh là một trong những thành phần cần thiết để thu hút người dùng truy cập vào trang web cũng như tăng tỉ lệ tương tác, khả năng đọc hiểu nội dung của khách hàng. Mặc dù chúng ta biết một hình đẹp chất lượng cao là tốt nhưng việc sử dụng nó vào trang web thì có thể ảnh hưởng tới tốc độ của việc tải trang. Do đó bạn có thể sử dụng các công cụ nén để giảm dung lượng ảnh trước khi đưa lên trang Wordpress. Hay sử dụng các CDN hình ảnh để có thế phân hiệu hiệu quả hơn tới người dùng,
Cập nhật Wordpress
Với việc cài đặt cập nhật wordpress thường xuyên sẽ giúp bạn có thể ngăn chặn các vấn đề về bảo mật, thêm các tính năng mới vào trang web cũng như tăng hiệu suất cho trang Wordpress. Ngoài ra bạn cũng nên định kỳ cập nhật các plugin và theme cho trang web.

Giới hạn Post Revisions
Ví dụ khi bạn lưu bài đăng trên WordPress thì nó sẽ tự động tạo một bản sao của bản đã được sửa đổi và lưu trữ vào trong cơ sở dữ liệu. Một điểm nổi bật của tiện ích này là cho phép bạn có thể khôi phục lại bất kỳ phiên bản nào mà bạn muốn. Tuy nhiên điều này mô hình chung sẽ dẫn đến việc tăng kích thước và giảm khả năng xử lý cho cơ sở dữ liệu của bạn. Do đó để giới hạn post revisions thì bạn có thể thêm một đoạn mã vào trong file wp-config.php: Để giới hạn số lần sửa đổi bài đăng ở một số đã đặt, hãy mở tệp wp-config.php của trang web (nằm trong thư mục gốc của trang web) và thêm mã sau vào cuối tệp:
define( 'WP_POST_REVISIONS', 4 );
Sử dụng lazy loading
Nếu trong trang sử dụng nhiều hình ảnh thì bạn nên sử dụng kỹ thuật lazy-loading để cải thiện tốc độ tải trang cho website bằng cách thay vì tải và hiển thị tất cả các hình ảnh cùng một lúc thì nó sẽ chỉ tải những hình ảnh xuất hiện trong cửa sổ trình duyệt của người dùng. Sau đó sẽ tải phần hình ảnh còn lại cho đến khi người dùng cuộn xuống những hình ảnh đó.

Nếu bạn muốn tham khảo cách áp dụng lazy load cho trang web thì truy cập ở đường dẫn này nhé.
Giới hạn số lượng comment trên trang
Việc nhiều bình luận cho thấy bài viết của bạn có được sự tương tác cao của người dùng. Nhưng nếu để quá nhiều bình luận trên một trang thì sẽ ảnh hưởng tới thời gian load trang. Do đó để cải thiện vấn đề này thì bạn có thể vào phần Setting-> Discussion -> Đánh dấu vào the “Break comments into pages”. Lúc này wordpress sẽ cung cấp cho bạn tính năng có thể tùy chọn số lượng comment xuất hiện trên trang web.

Tổng kết:
Qua đây mình mong bài viết sẽ cung cấp cho bạn các phương pháp để có thể cải thiện hiệu suất cho Wordpress. Nếu có thắc mắc gì cứ gửi email mình sẽ phản hồi sớm nhất có thể. Rất mong bạn tiếp tục ủng hộ trang web để mình có thể viết nhiều bài hay hơn nữa nhé. Chúc bạn có một ngày vui vẻ!