Static Wesite và Dynamic Website

Static Wesite và Dynamic Website


Ngày 14 Tháng 2 Năm 2023

Nếu như đã từng tạo website thì có lẽ bạn sẽ không còn lạ lẫm với hai loại website là dynamic và static website. Trong bài viết hôm nay mình sẽ làm rõ hơn về cách chúng hoạt động cũng như ý nghĩa của từng loại trong quá trình xây dựng trang web nhé.

Nếu như bạn đang xây dựng trang web thì việc lựa chọn sử dụng trang web tĩnh hay động là một trong những quyết định quan trọng vì điều này sẽ xác định cách cách mà website được lưu trữ và phân phối tới khách hàng truy cập vào website.

Sự khác biệt static và dynamic website

Static Website

Một trang web tĩnh sẽ tạo thành từ một số file cố định được lưu trữ trên máy chủ. Thông thường các tệp này sẽ viết bằng HTML, CSS và JavaScript và được thực thi trong trình duyệt web của người dùng. Khi khách hàng truy cập vào trang web thì máy chủ sẽ gửi về tệp HTML và các file CSS, Javascript đi kèm.

Cách hoạt động của static website

Trong quá trình gửi file đến người dùng thì máy chủ web sẽ không thực hiện thay đổi bổ sung nào đối với các tệp trước khi được chuyển đến người dùng. Do đó trang web sẽ hiển thị giống nhau đổi với tất cả mọi người truy cập. Thông thường các trang web tĩnh sẽ được sử dụng cho sơ yếu lý lịch, các trang quảng cáo, landing page...

Ưu điểm:

Một ưu điểm cực kỳ lớn của trang web tĩnh là dễ dàng xây dựng và không phải tốn quá nhiều chi phí cho việc lưu trữ, bảo trì. Các trang web tĩnh thì thường chạy nhanh hơn trang web động do không phải xử lý các logic ở phần backend và có thể sử dụng caching để phân phối nội dung tốt hơn. Ngoài ra sẽ có mức độ bảo mật tốt hơn vì ít phải sử dụng các kỹ thuật công nghệ để phát triển trang web.

Nhược điểm:

Nhược điểm chính của static website là về khả năng mở rộng và bảo trì. Ví dụ nếu như phải sửa đổi header cho tất cả các trang trong website thì bạn phải truy cập vào từng trang để thực hiện các thay đổi đó. Do vậy nếu trang web phát triển càng nhiều thì sẽ càng khó khăn trong việc quản lý.

Dynamic Website

Bạn có thể hiểu đơn giản dynamic website là nội dung có thể thay đổi một cách linh hoạt trong quá trình chạy trên trình duyệt của người dùng. Khi người truy cập yêu cầu trang web thì máy chủ web sẽ lấy dữ liệu từ một hay nhiều cơ sở dữ liệu và tạo một file HTML được tùy chỉnh theo yêu cầu của người dùng. Thông thường thì các trang web động sẽ sử dụng các ngôn ngữ lập trình phía máy chủ như PHP, Ruby, Python, Nodejs... để xử lý sự kiện, truy xuất thông tin từ cơ sở dữ liệu, quản lý session và cookies...

Cách hoạt động của dynamic website

Ngày nay đa số các trang web đều là dynamic website như cửa hàng trực tuyến, trang mạng xã hội, trang tin tức, blog, ứng dụng web... Ví dụ khi bạn đã từng mua một hay nhiều sản phẩm trên một sàn thương mại điện tử thì lần sau khi truy cập thì nó sẽ đề xuất các sản phẩm dành riêng cho sở thích của bạn. Ngoài ra còn có một ví dụ khác giúp bạn dễ hình dung hơn là việc thay đổi ngôn ngữ cho nội dung trong website thông qua việc xác định vị trí của người truy cập.

Ưu điểm:

Lợi ích chính của việc sử dụng dynamic website là dễ dàng quản lý nội dung. Các thay đổi của bạn có thể áp dụng cho một hay nhiều trang cùng một lúc. Khả năng cá nhân hóa được cải thiện hơn rất nhiều thông qua việc thay đổi nội dung tùy thuộc vào đặc tính của khách hàng. Dù trang web của bạn có phát triển và mở rộng nhanh chóng thì việc duy trì sẽ không cần phải tốn quá nhiều công sức như trang web tĩnh.

Nhược điểm:

Trang web động sẽ phức tạp hơn rất nhiều so với các trang web tĩnh vì nó cần phải xác định cách tổ chức của trang web, các quy tắc và sắp xếp nội dung trong cơ sở dữ liệu, các logic kinh doanh, cách hiển thị nội dung trên trang web... Ngoài ra chi phí của nó cao hơn do sử dụng phần cứng nhiều hơn. Thời gian tải cũng là một vấn đề mà bạn cần phải lưu ý vì nó cần phải xử lý nhiều hơn ở phần backend.

Sự khác biệt giữa static website và dynamic website

Static WebsiteDynamic Website
Khi muốn thay đổi thì cần phải thay đổi thủ công.Có thể thay đổi nhiều trang cùng một lúc.
Thời gian tải trang ít hơn.Thời gian tải trang nhiều hơn.
Không sử dụng cơ sở dữ liệu.Sử dụng cơ sở dữ liệu.
Thường được viết bằng HTML, CSS, Javascript...Thường được viết bằng PHP, Ruby, Python, ASP...
Ít tốn thời gian thiết lập và chi phí.Tốn nhiều thời gian thiết lập và chi phí.
Chạy trực tiếp trên trình duyệt người dùng và không cần xử lý phía backend.Cần phải xử lý các yêu cầu trên máy chủ.

Tổng kết:

Qua đây mình mong bài viết sẽ cung cấp cho thêm các kiến thức về trang web tĩnh và trang web động. Nếu có thắc mắc gì cứ gửi email mình sẽ phản hồi sớm nhất có thể. Rất mong bạn tiếp tục ủng hộ trang web để mình có thể viết nhiều bài hay hơn nữa nhé. Chúc bạn có một ngày vui vẻ!

DigitalOcean Referral Badge